Tiểu Đoàn 5 TQLC
Trận Tái Chiếm Cầu Sông Nhung
Vương Hồng Anh tổng hợp
* Tổng lược về hoạt động của tiểu đoàn 5 thống thuộc lữ đoàn 369
TQLC tại mặt trận Mỹ Chánh:
Như đã trình bày, đầu tháng 4/1972, bộ Tổng tham mưu QL/VNCH đã điều
động bộ chỉ huy lữ đoàn 369 và 3 tiểu đoàn thống thuộc 2, 5 và 9
Thủy quân Lục chiến (TQLC), tiểu đoàn 1 Pháo binh TQLC từ Sài Gòn
không vận bằng C 130 đến phi trường Phú Bài, cách Huế hơn 10 km
đường chim bay về phía Nam, từ đây cả lữ đoàn di chuyển vào vùng
hành quân ở Tây Nam Quảng Trị.
Theo sự phân nhiệm của bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn TQLC (bản doanh
đặt trong Thành Nội Huế), lữ đoàn 369 TQLC hoạt động trên một khu
vực rộng khoảng 200 cây số vuông, về chiều dài từ sông Mỹ Chánh (gần
địa giới hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên) đến sông Nhung-cách thị
xã Quảng Trị khoảng 5 km về hướng Nam. Trong suốt tháng 4/1972, các
đơn vị của lữ đoàn đã giữ vững được vùng trách nhiệm, đẩy lùi các
trận tấn công của các trung đoàn 9 và 66 thuộc sư đoàn 304 CSBV.
Ngày 29 tháng 4/1972, vào hơn 1 giờ trưa, bộ chỉ huy lữ đoàn 369
TQLC được lệnh từ bộ Tư lệnh Sư đoàn TQLC là bộ Tư lệnh Quân đoàn 1
sẽ rút 1 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến để giải tỏa áp lực của CQ
trên Quốc Lộ 1 từ bờ Bắc sông Nhung đến phía Nam thị xã Quảng Trị
dài khoảng 5 km. Theo tài liệu của cựu đại tá Phạm Văn Chung, nguyên
lữ đoàn trưởng lữ đoàn 369TQLC, đối chiếu với tài liệu của Ủy ban
Quân sử Hoa Kỳ và của cựu đại tá G. H. Turley, nguyên cố vấn phó Sư
đoàn TQLC, diễn tiến về cuộc hành quân tiếp ứng của tiểu đoàn 5 TQLC
được ghi nhận như sau:
Sau khi nhận được lệnh của bộ Tư lệnh Sư đoàn TQLC, đại tá Chung với
tư cách lữ đoàn trưởng đã cố gắng giải thích với đại tá Bùi Thế Lân
(lúc bấy giờ là tư lệnh phó Sư đoàn) rằng nếu rút bớt 1 tiểu đoàn
thì lữ đoàn 369 TQLC không thể nào ngăn cản CQ tràn từ phía Tây ra
Quốc lộ 1 được vì địch đang áp lực nặng lên cả khu vực trách nhiệm
của cả 3 tiểu đoàn TQLC thống thuộc lữ đoàn. Đại tá Lân trả lời rằng
ông đã tranh luận với bộ tư lệnh Quân đoàn 1 rồi, lữ đoàn 369 TQLC
cứ thi hành lệnh đi. Sau khi phân tích tình hình trận địa của các
tiểu đoàn, đại tá Chung quyết định rút tiểu đoàn 5 Hắc Long (tiểu
đoàn trưởng: thiếu tá Hồ Quang Lịch) ra khỏi vị trí đang hành quân ở
phía Tây để khởi động cuộc tiến quân về sông Nhung.
* Tiểu đoàn 5 TQLC Hắc Long nỗ lực tái chiếm lại cầu sông Nhung:
Rời khu vực đang khai triển lực lượng, tiểu đoàn 5 TQLC khẩn cấp di
chuyển về hướng Bắc. Mục tiêu chính là cầu sông Nhung. Cầu này nằm
trên đoạn đường từ Mỹ Chánh ra Quảng Trị, có nhiều pháo đài bê tông
kiên cố do lực lượng Quân đội Liên Hiệp Pháp xây cất trước năm 1954,
khi tiểu đoàn 5 TQLC tiến đến gần cầu sông Nhung mới hay các lô cốt
đã bị CQ chiếm. Từ các pháo đài, CQ đã sử dụng trung liên, thượng
liên và B 40 bắn xối xả vào đội hình của tiểu đoàn 5 TQLC, cùng lúc
đó, pháo binh CQ từ xa cũng pháo liên tục vào các đại đội của tiểu
đoàn này đang khai triển ở bờ Nam sông Nhung.
Trận chiến kéo dài 4, 5 giờ, tiểu đoàn trưởng Hồ Quang Lịch tung
nhiều đợt tấn công nhưng đã gặp sự kháng cự quyết liệt của đối
phương, nên vẫn chưa chiếm được mục tiêu. Theo dõi cuộc tấn công của
tiểu đoàn 5 TQLC, cuối cùng bộ chỉ huy lữ đoàn 369 TQLC quyết định
sử dụng không quân để oanh tạc các ổ kháng cự của CQ. Theo sự điều
hướng của thiếu tá Lịch-tiểu đoàn trưởng- và thiếu tá Don Price-cố
vấn tiểu đoàn 5 TQLC, một số pháo đài mà CQ cố thủ đã bị bom san
bằng.
Tối ngày 29 tháng 4/1972, với sự yểm trợ tiếp cận của C130 Specter
Gunship gắn đại bác 105 ly và C47 “Rồng phun lửa”, tiểu đoàn 5 TQLC
nỗ lực đánh chiếm các pháo đài còn lại. Đối phương cố bám giữ cầu và
các cụm hỏa lực trung tâm nên đã bắn trả dữ dội. Đến sáng ngày 30
tháng 4/1972, tiểu đoàn 5 TQLC đã chiếm được cầu sông Nhung. Cộng
quân tổn thất nặng, 243 cán bộ và binh sĩ CSBV bỏ xác tại trận địa.
Theo lời khai của một số tù binh bị bắt tại cầu, thì đơn vị CQ bố
trí tại quanh khu vực hai bên bờ sông Nhung thuộc trung đoàn 27
CSBV. Đơn vị CQ này đã chiếm cầu từ tối 28 tháng 4/1972. Sau khi tái
chiếm cầu, tiểu đoàn 5 TQLC dàn quân bố trí quanh khu vực cầu nhưng
trong suốt ngày 30 tháng 4/1972 vẫn không thấy lực lượng bạn đến để
phối hợp cũng như không thể nào liên lạc được với bộ Tư lệnh Sư đoàn
3 Bộ binh ở Cổ Thành Quảng Trị. Bộ chỉ huy lữ đoàn 369TQLC báo cáo
sự việc với bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn TQLC thì được đại tá Bùi
Thế Lân cho biết rõ thêm về tình hình là có thể Sư đoàn 3 BB sẽ
triệt thoái khỏi thị xã Quảng Trị. Đại tá Lân nhấn mệnh thêm: nếu sự
việc xảy ra thì lữ đoàn 369 TQLC tùy tình hình mà ứng phó, có thể
điều động tiểu đoàn 5 về lại lữ đoàn.
* Trận chiến sau ngày 30 tháng 4/1972, câu chuyện về Cọp Biển Trần
Ba-tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 TQLC:
Tình hình chiến sự biến chuyển dồn dập, mặt trận phía Tây Mỹ Chánh
bị áp lực nặng của CQ, bộ chỉ huy lữ đoàn quyết định rút tiểu đoàn 5
TQLC về khu vực trách nhiệm cũ. Do CQ đã chiếm một số cao điểm, nên
tiểu đoàn 5 đã phải chiến đấu quyết liệt để tái chiếm lại. Trung lúc
điều động một cánh quân để tiến chiếm mục tiêu, thiếu tá Trần
Ba-tiểu đoàn phó- bị trúng đạn tử trận ngay ở tuyến đầu. Do trận
chiến diễn ra quá ác liệt, nên mặc dù có thêm vài anh em Cọp Biển hy
sinh khi cố tiến lên kéo xác của tiểu đoàn phó Trần Ba về phía sau,
nhưng vẫn không được. Địch bắn dữ dội, phải đến 6 tháng sau, đơn vị
mới tìm được xương cốt của thiếu tá Ba.
Theo lời kể của cựu đại tá Phạm Văn Chung, vào thời gian đó, vợ
thiếu tá Ba đang có thai gần ngày sinh và 1 người con đã bị tử vong
vì lật xe khi bà và con vừa dự đám tang chôn cất thiếu tá Ba tại
Nghĩa trang Quân đội ở Biên Hòa. Khi trở về ngang Cát Lái gặp trời
mưa, xe jeep bị lật, bà và người com chết ngay tại chỗ. Thương tiếc
đồng đội, cựu đại tá Phạm Văn Chung đã ghi lại như sau trong đoạn
viết về Cọp Biển Trần Ba: Người sĩ quan trẻ, cao lớn, đẹp trai đầy
tương lai này đã cùng người viết có dịp chia xẻ vui buồn, vinh nhục
trong các trận đánh ở A Sau, A Lưới, đỉnh Sarge, Khe Sanh, Lao Bảo,
nhất là ngồi tâm sự với nhau ở căn cứ Mai Lộc, mật khu Ba Lòng những
buổi chiều nắng vật vờ xuống chầm chậm ở phương Tây và đêm tối dâng
lên mênh mang cả núi rừng!
* Lữ đoàn 369TQLC tái phối trí lực lượng giữ tuyến Mỹ Chánh:
Ngày 1 tháng 5/1972, do tình hình tại mặt trận Quảng Trị càng xấu
hơn nên vào buổi chiều cùng ngày, bộ chỉ huy lữ đoàn 369 TQLC đã
triệu tập một cuộc họp với các tiểu đoàn trưởng, các đơn vị trưởng
yểm trợ, các cố vấn Hoa Kỳ của lữ đoàn, sĩ quan tham mưu. Tại buổi
họp, đại tá Chung trình bày cho các cấp chỉ huy rõ về tình hình, đặt
ra những giả thuyết về những sự kiện chiến trường có thể xảy ra,
phân nhiệm cho các đơn vị về hướng hành động. Đại tá Chung nêu lên
câu hỏi: trong trường hợp Sư đoàn 3 BB và các đơn vị tăng phái triệt
thoái khỏi thị xã Quảng Trị thì lữ đoàn 369 TQLC phải ngăn chận địch
như thế nào? Tất cả các sĩ quan tham dự cuộc họp đều đồng ý lấy sông
Mỹ Chánh làm tuyến chận địch.
Về quan niệm phòng thủ thì theo nhận định của vị lữ đoàn trưởng, lực
lượng của lữ đoàn quá ít so với CQ đông đảo và hung hãn. Yếu tố thời
gian và địa thế không cho phép lữ đoàn khai triển lực lượng lập
tuyến phòng thủ có chiều sâu kiên cố. Trong chiến thuật phòng ngự,
khi một đội quân nhỏ muốn cầm chân, trì hoãn các mũi tấn công của
một đại quân đối phương để chờ quân tăng viện, hoặc chờ quyết định
của các cấp bộ chỉ huy cao hơn thì chỉ có phương cách cấp thời là
phòng thủ lưu động. Vừa kháng cự địch vừa lùi để chọn vị trí đóng
quân ẫn nấp, chọn điểm giao tranh. Ngoài ra, còn biết phối hợp thật
nhịp nhàng sự yểm trợ hỏa lực của Không quân chiến thuật, Pháo binh
và hải pháo để tiêu diệt tiềm lực của đối phương tại khu vực mà đơn
vị mong muốn. Đại tá Chung nhấn mệnh rằng lối đánh này đòi hỏi quân
sĩ phải có tinh thần cao, thật kỷ luật, rành địa thế, đồng thời phải
có sự thiết kế hết sức tỉ mỉ của các sĩ quan chỉ huy.
Sau phần trình bày của vị lữ đoàn trưởng, tất cả đều đồng ý quan
niệm phòng thủ này. Bộ chỉ huy lữ đoàn yêu cầu các đơn vị trưởng
giải thích rõ hiện trạng cho quân sĩ và khích động anh em cố giữ
vững tinh thần chiến đấu. Khi yêu cầu như vậy, đại tá Chung biết
rằng đây là một điều rất khó cho các cấp chỉ huy vì hàng ngày, binh
sĩ của lữ đoàn chứng kiến cảnh lui quân hỗn loạn không theo đội hình
của nhiều đơn vị bạn rút về phía Nam sông Mỹ Chánh. Theo kế hoạch
của bộ chỉ huy lữ đoàn, 3 tiểu đoàn 2, 5 và 6 TQLC sẽ là nổ lực
chính để ngăn chận và trì hoãn các mũi tấn công của CQ một khi phòng
tuyến Quảng Trị bị vỡ.
|