TQLC Quyết Tử tại Mặt Trận Tây Bắc Quảng Trị Vương Hồng Anh tổng hợp Trong phần 2 của loạt bài “Chiến trường Việt Nam 30 năm nhìn lại” (khởi đăng từ tháng 5 đến tháng 12/1998), VB đã trình bày tổng lược về cuộc diện trận chiến tại tỉnh Quảng Trị sau khi tỉnh lỵ này bị Cộng quân tràn ngập vào ngày 1 tháng 5/1972. Riêng về các trận đánh và sự kiện chiến trường kiện xảy ra từ khi CQ khởi động cuộc tổng tấn công vào phía Tây tỉnh Quảng Trị vào ngày 30 tháng 3/1972 đến ngày 30 tháng 4/1972, do khuôn khổ và tiêu đề của loạt bài nêu trên, chúng tôi mới trình bày sơ lược một số sự kiện chính ghi nhận theo từng ngày.
Thể theo yêu cầu của một số đông bạn đọc cựu chiến binh VNCH muốn
được biết rõ về cuộc chiến tại mặt trận Quảng Trị trong giai đoạn
đầu, giai đoạn mà các đơn vị Cọp Biển là lực lượng tiếp ứng cho Sư
đoàn 3 Bộ binh để làm nỗ lực chính chân địch, nhân biên soạn loạt
bài “Đơn vị và Chiến trường”, được sự đóng góp tài liệu của một số
cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến, chúng tôi cố gắng thực hiện một số
kỳ báo để giới thiệu trận chiến của các lữ đoàn, tiểu đoàn Thủy quân
Lục chiến tại giới tuyến trong những tuần lễ đầu của cuộc chiến Mùa
Hè 1972. Trước ngày 30 tháng 3/1972, phòng 2 Quân đoàn 1 và cơ quan tình báo chiến trường của bộ Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều thông tin tổng hợp về một cuộc tổng tấn công của Cộng quân, ngay sau đó, phòng 2 Quân đoàn 1 và Cố vấn Hoa Kỳ cạnh bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 đã báo ngay cho trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn 1 & Quân khu 1, đồng thời thông báo cho chuẩn tướng Vũ Văn Giai tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh là sẽ có cuộc tấn công lớn của Cộng quân. Đúng 11 giờ sáng, tại phòng tuyến phía Tây, 2 cứ điểm Sarge và núi Bá Hô do tiểu đoàn 4 Thủy quân Lục chiến phụ trách, các toán tiền đồn của đơn vị này đã phát hiện Cộng sản Bắc Việt điều động quân ồ ạt, ngay sau đó, bộ chỉ huy tiểu đoàn đã yêu cầu Pháo binh VNCH bắn tiêu diệt và ngăn chận. Cùng lúc đó, tiểu đoàn 8 Thủy quân Lục chiến tại căn cứ Holcomb bị pháo kích và bị tấn công. Đúng 12 giờ trưa, đại quân của Cộng sản Bắc Việt gồm 3 sư đoàn chủ lực, 4 trung đoàn của mặt trận B5, 2 trung đoàn chiến xa T 54 và PT 76, được sự yểm trợ của các tiểu đoàn pháo CSBV trang bị đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly, hỏa tiễn địa không SA-2, đã đồng loạt vượt vĩ tuyến 17, tấn công vào nhiều vị trí phòng ngự của lực lượng Thủy quân Lục chiến, trung đoàn 2 và trung đoàn 56 Bộ binh.
Một ghi nhận là trước đó 8 giờ sáng, chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư
lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh đã cho lệnh hoán chuyển khu vực hoạt động của
trung đoàn 2 và trung đoàn 56 Bộ binh. Sự việc hoán chuyển quân này
diễn ra đúng vào khi Cộng quân đang điều động các đơn vị để mở cuộc
tổng tấn công. Theo kế hoạch của bộ tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh thì
cuộc hoán chuyển sẽ hoàn tất vào 6 giờ chiều ngày 30 tháng 3/1972.
Khi Cộng quân mở màn cuộc tổng tấn công và pháo kích vào trưa cùng
ngày, thì 60% lực lượng của 2 trung đoàn 56 và 2 Bộ binh đang trên
đường di chuyển hoán đổi nên đã không kịp phản ứng để chống trả,
tuyến phòng thủ do các đơn vị của 2 trung đoàn này phụ trách đã bị
bỏ ngỏ. Toàn bộ hệ thống phòng thủ của Sư đoàn 3 Bộ binh tại khu vực
giới tuyến bị rối loạn do cuộc chuyển quân diễn ra đúng vào khi CSBV
khai triển cuộc tổng tấn công. Đến 6 giờ chiều ngày 30 tháng 3/1972, 2 vị trí của tiểu đoàn 4 Thủy quân Lục chiến tại căn cứ Sarge và núi Bá Hô bị pháo kích trên 600 quả đại bác và hỏa tiển đủ loại, 70% hệ thống công sự phòng thủ bị phá hủy, nhiều chiến binh bị tử thương và bị thương. Căn cứ Carroll-nơi trung đoàn 56 Bộ binh thuộc Sư đoàn 3 Bộ binh đặt bộ chỉ huy, đã bị 1 trung đoàn Cộng quân bao vây và pháo kích liên tục. Các vị trí do các tiểu đoàn 1/56, 2/56, 3/56 phòng ngự bị Cộng quân pháo hàng ngàn quả đạn đủ loại. Cũng trong ngày 30 tháng 3/1975, ngay khi nhận được báo cáo về tình hình chiến sự tại Quảng Trị, bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 đã điều động tiểu đoàn 7 Thủy quân Lục chiến từ Đà Nẵng ra tăng cường cho chiến trường Quảng Trị để bảo vệ căn cứ Mai Lộc. Đồng thời tiểu đoàn 3 Thủy quân Lục chiến thuộc Lữ đoàn 258 Thủy quân Lục chiến phòng thủ phía bắc sông Mỹ Chánh được điều động lên Đông Hà và được giao trách nhiệm giữ an ninh Quốc lộ 9 từ Đông Hà đến Cam Lộ. Ngay trong chiều 30 tháng 3/1972, lệnh báo động đó được áp dụng trên toàn chiến trường hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Một chi tiết đặc biệt được ông Gerry H. Turley, cựu đại tá TQLC/Hoa Kỳ, có mặt tại Quảng Trị khi trận chiến xảy ra, kể lại trong cuốn Easter Offensive, trưa ngày 30 tháng 3/1972, theo chương trình đã định liệu, chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh và vị cố vấn Hoa Kỳ của sư đoàn này sẽ bay vào để dự lễ Phục Sinh, mặc dù việc hoán đổi của hai trung đoàn 2 và trung đoàn 56 Bộ binh theo kế hoạch của tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh đến 6 giờ chiều mới hoàn tất. Tướng Giai cũng đã được báo động là Cộng quân đang chuẩn bị tấn công lớn vào khu vực trách nhiệm của sư đoàn 3 Bộ binh tại giới tuyến. Theo ghi nhận của một số sĩ quan tham mưu Sư đoàn 3 Bộ binh, tướng Giai ước tính phải đến đầu tháng 4/1972 Cộng quân mới khởi sự tấn công, nhưng cuộc chiến đã diễn ra ngoài ước tính của vị tư lệnh Sư đoàn và ngày 30 tháng 3/1972 trở thành ngày N của Cuộc chiến Mùa hè 1972 tại chiến trường Quảng Trị... Ngày 31 tháng 3/1972, áp lực Cộng quân gia tăng trên toàn cụm phòng tuyến Tây Bắc, để tiện chỉ huy các đơn vị thống thuộc, đồng thời để bảo vệ căn cứ Ái Tử (bản doanh của Sư đoàn 3 Bộ binh), bộ chỉ huy lữ đoàn 258/TQLC được điều động lên căn cứ này. Vừa đến nơi, bộ chỉ huy này bị pháo kích trên 130 ly và hỏa tiễn 122 ly. Ngay sau đó, tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến từ căn cứ Barbara được điều động tăng cường để phòng thủ căn cứ. Trong đêm, thực hiện kế hoạch mới, chuẩn tướng Giai cùng với một số sĩ quan tham mưu di chuyển bộ chỉ huy Hành quân của Sư đoàn 3 BB về doanh trại Đinh Công Tráng (bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Trị đặt trong Cổ Thành). Việc phối hợp điều quân và yểm trợ hỏa lực phi pháo tạm thời giao cho bộ chỉ huy lữ đoàn 258 Thủy quân Lục chiến và toán cố vấn Hoa Kỳ do trung tá Gerry H.Turley, cố vấn phó Sư đoàn Thủy quân Lục chiến bị kẹt lại đây khi ông vừa từ Sài Gòn ra thăm các cố vấn TQLC và các đơn vị Cọp Biển tại Quảng Trị. Ngày 1 tháng 4/1972, cuộc diện chiến trường trở nên sôi động hơn. Dưới áp lực nặng của Cộng quân, để bảo toàn quân số, 10 giờ 45 sáng, căn cứ Cồn Thiên (A4) triệt thoái, 14 giờ 50 chiều, các căn cứ trọng yếu Fuller (do 1 tiểu đoàn của trung đoàn 2 Bộ binh phòng ngự), Khe Gió (1 đơn vị của trung đoàn 56 Bộ binh), căn cứ Holcomb (1 tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến) đã triệt thoái về tuyến sau.
Ngày 2 tháng 4/1972, các đơn vị thuộc hai lữ đoàn 147 và 258 Thủy
quân Lục chiến được tái phối trí để giữ phòng tuyến Đông Hà và phía
Tây Ái Tử. Tiểu đoàn 3 Thủy quân Lục chiến được lệnh tử thủ giang
cảng Đông Hà bằng mọi giá. Phân đội chống chiến xa trang bị đại bác
106 ly của tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến cũng được điều động tăng
cường cho phòng tuyến Đông Hà để ngăn chận các cuộc tấn công cường
tập của quân từ hướng Đông. (Tổng hợp từ các tài liệu của cựu trung
tá Trần Văn Hiển, nguyên trưởng phòng 3 Thủy quân Lục chiến, cựu đại
tá Gerry H. Turley, Ủy ban Quân sử Hoa Kỳ, các đặc san Sóng Thần,
KBC...). |