Hình Ảnh Ngày Qua
Bài viết của: Phu nhân Bác sĩ Nguyễn Văn Thế
Tôi đã sống với gia đình Cọp Biển từ năm 1964 cho đến ngày đất nước
rơi vào tay loài quỷ đỏ. Suốt thời gian này tuy không sống ngoài
chiến tuyến như các anh nhưng tôi cũng chia sẻ được nhiều nỗi vui
buồn của gia đình Mũ Xanh.
Hai hình ảnh đã in sâu vào trí tôi là: ngày về sau trận Hạ Lào và
ngày Sư đoàn ra Huế.
Tôi được may mắn chứng kiến cảnh mừng ngày Cọp Biển trở về sau bao
ngày gian khổ dưới lằn tên mũi đạn bên tuyến địch ở Hạ Lào. Ngày đó
tôi được tháp tùng với các ca sĩ ra La Vang để giúp vui cho anh em
chiến sĩ. Tôi không sao tả được sự xúc động và nỗi vui mừng khi được
gặp lại người thân, bạn bè... Vì trận Ha Lào đã làm náo động cả quân
đội nói chung và Thủy Quân Lục Chiến nói riêng. Cũng may là những
người tôi quen biết không bị mất mát nhiều.
Sau đó, tình hình lại sôi động, cả Sư đoàn lại ra quân. Tôi không
nhớ rõ được ngày tháng, nhưng hình ảnh ấy vẫn còn sống mãi trong
tôi. Đêm đó mọi người không ai ngủ hết, tất cả đều lo chuẩn bị hành
trang. Riêng Tiểu đoàn Quân Y ngoài ba lô súng đạn còn phải đem theo
dụng cụ thuốc men nên phải sưœa soạn thật kỹ không được thiếu sót
thứ gì. Cả Tiểu đoàn nhôn nhao, người hăng hái ra đi, kẻ tiễn đưa
bùi ngùi, ai ai cũng mang niềm cảm xúc...
Hai giờ sáng tất cả đều sẵn sàng, chúng tôi đi theo các anh ra sân
để chờ giờ lên đường. Thình lình trong bóng đêm bỗng sáng rực một
góc trời, bụi bốc mịt mù dưới những ánh đèn xe. Lần đầu tiên tôi
được thấy cảnh lên đường hành quân trong đêm: Từ một góc xa đoàn xe
dần dần tiến ngang qua chỗ chúng tôi, tôi biết Tiểu đoàn 1 đang di
chuyển. Rồi ở góc khác đèn lại bật sáng và đoàn xe lại tiếp nối đi
ngang qua chúng tôi. Sau 3 Tiểu đoàn thì đến lượt nhà tôi và các bạn
lên đường. Trước mặt tôi là đoàn xe GMC, trên đó các anh Cọp Biển
đang ngồi sát bên nhau, đầu đội nón sắt, lưng mang ba lô nặng chĩu.
Súng cầm tay, các anh lên đường một cách thản nhiên dù ngày về có
sao chăng nữa... Ra đi để làm nhiệm vụ người con của đất nước, để
đem lại thanh bình cho hậu phương. Có mấy ai thấy được những hy sinh
âm thầm này ! Đoàn xe đến cầu Phan Thanh Giản thì ngừng lại, chờ
đúng giờ mới vào phi trường. Tôi lại rơi vào tâm trạng nàng chinh
phụ ở những bài giảng văn của những ngày áo trắng học trò thơ mộng
cũ:
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn...
Giờ phút này, đất nước này có bao nhiêu nàng chinh phụ như tôi ? Ồ
nhiều lắm, chúng tôi những người vợ lính, những người yêu của lính,
những người san sẽ những vui buồn đời lính của các anh lúc nào cũng
sống trong phập phồng lo sợ. Bởi vì mỗi lần ra quân là có sự mất
mát, và chúng tôi chỉ còn biết nguyện cầu cho sự mất mát được nhẹ đi
phần nào.
Sáu tháng sau tôi được phép ra Huế, dù không là quân nhân tôi cũng
mặc đồ rằn ri để tháp tùng chuyến tiếp tế cho anh em ngoài trận
tuyến.
Ba giờ sáng có mặt ở Bộ Tư Lệnh, 4 giờ theo đoàn xe lên phi trường
chờ mãi đến 1 giờ trưa mới leo lên được chiếc C 130 để ra Huế. Máy
bay đáp xuống phi trường Phú Bài, tôi theo chân mọi người ra sân đã
thấy quần áo rằn ri chạy tới chạy lui. Kẻ mới tới, người chuẩn bị
về. Người mới đến vui vẻ lành lặn, kẻ trở về im lặng thương đau ! Ôi
bút nào tả xiết những cảnh đau lòng này ! Sau đó tôi được đưa về
trại Mang Cá nhỏ, một vị trí của bệnh viên Tiểu Khu Huế. Trước khi
đến Tiểu đoàn Quân Y chúng tôi phải đi ngang qua nhà xác riêng của
Thủy Quân Lục Chiến. Vì đây là trại dã chiến nên có những xác còn
nằm trên bàn, có xác được bọc nylon và có xác đã được vô quan tài.
Tôi vô cùng xúc động, nước mắt lăn dài trên má, tôi biết rằng ngày
mai, ngày kia tin chẳng lành sẽ tới với những người vợ, người yêu...
kém may mắn. Tôi tự nghĩ mình sẽ phải làm gì để đền đáp công ơn của
những anh hùng đã yên giấc ngàn thu này ? Tôi tài hèn sức mọn chỉ
biết lo cho phần hồn, vì vậy khi về Saigon tôi đến nhà thờ Đức Mẹ
Fatima xin lễ cho những linh hồn mồ côi và nhờ người cô họ cúng cho
những linh hồn bên Lương.
Sở dĩ tôi nghĩ đến việc này vì các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến đã
bị mang danh là con bà Phước, danh từ này dành cho anh em Mũ Xanh,
những đứa con ngang tàng không sợ chết, nên Việt cộng sợ các anh đến
mất mật. Trước khi mất nước chúng tôi có tổ chức một cuộc ủy lạo nho
nhỏ ở Bệnh viện Saigon và Huế để tỏ lòng biết ơn đối với các chiến
sĩ đã hy sinh thân mình cho quê hương đất nước.
Giờ đây, sau mười mấy năm sống xa nhà với biết bao biến đổi, tôi vẫn
mãi nhớ những ngày sống tại hậu cứ cùng với các chị em khác hồi hộp
dõi bước chinh phu. Hình ảnh oai hùng hay phong trần của các anh vẫn
ghi rõ trong tôi như mới ngày nào.
|